Tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vào 30/4 năm tới, nếu không sẽ bị xử lý.
“Báo cáo của Ban quản lý rất ổn nhưng đi hiện trường không ổn chút nào. Dự án đã bị lùi tiến độ một lần, nếu đến 30/4 năm sau vẫn không đạt được thì các đồng chí viết sẵn đơn đi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói với lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được giao làm chủ đầu tư cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khi đi kiểm tra thực tế, ngày 22/11.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, nối Đồng Nai và Bình Thuận. Khi hoàn thành giúp hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết – Mũi Né rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 giờ. Dự án được khởi công vào tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện công trường vẫn còn rất ngổn ngang, nhiều đoạn chưa đắp nền.
Bày tỏ sự suốt ruột, ông Thắng cho rằng, đây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng chủ đầu tư báo cáo không đúng với thực tế trên công trường. Ngoài các lý do khách quan như mưa gió, thiếu đất đắp, giá cá tăng cao… thì nguyên nhân từ đơn vị quản lý, nhà thầu rất lớn. Trong đó, ban quản lý dự án bị cho là thiếu năng lực, trách nhiệm.
“Tôi không cần nghe hứa nữa. Tôi nói luôn, bất cứ nhà thầu nào mà giai đoạn này không đáp ứng được tiến độ, chất lượng thì sắp tới không cho làm các công trình khác của Bộ nữa, kể cả các đơn vị tư vấn giám sát cũng thế”, ông Thắng nói.
Để đảm bảo tiến độ đến ngày 30/4 năm sau phải xong, tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề nghị tất cả nhà thầu phải tập trung tối đa nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu, đẩy nhanh tiến độ nhất có thể. “Ban quản lý dự án phải báo cáo tiến độ từng ngày từng giờ cho thứ trưởng phụ trách, chậm ngày nào là chịu trách nhiệm ngày đó”, ông Thắng yêu cầu.
Chiều qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đã đi kiểm tra công trường dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Tuyến đường dài hơn 100 km, tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.
Tại công trường, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết sau hai năm khởi công, dự án mới đạt 49% khối lượng công việc. Sự chậm trễ này có trách nhiệm chính của chủ đầu tư cùng với các nhà thầu. Những tháng qua, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ, các nhà thầu đã tăng tốc hơn và cam kết 31/12 sẽ thông xe kỹ thuật, chậm nhất vào ngày 30/4 phải khánh thành.
Để kịp tiến độ, ông Thắng yêu cầu chủ đầu phải thường xuyên tương tác với các nhà thầu, tập trung tháo gỡ vướng mắc ngay cho doanh nghiệp để không làm ảnh hưởng đến tiến độ. Ban quản lý dự án 7 cần nghiệm thu, thanh toán, giải quyết tài chính cho các đơn vị đã hoàn thành khối lượng. Đồng thời, các nhà thầu phải tập trung tối đa nguồn lực, máy móc thiết bị, nhân nhân công để thi công 24/24h.
“Nếu các nhà thầu làm tốt giai đoạn 1, đó là một trong những tiêu chí để Bộ xem xét chọn thi công tiếp trong giai đoạn 2”, ông Thắng nói.
Nguồn: VNExpress.net